Muốn kinh doanh thì chúng ta phải thành lập Doanh Nghiệp. Doanh nghiệp thì có nhiều loại hình, một trong số loại hình đó là Công ty TNHH Một Thành Viên, vậy quy trình thành lập như thế nào? Các bước ra sao? Cần những loại hồ sơ gì? Và lưu ý những điều gì?
Căn cứ pháp lý để soạn thảo hồ sơ đăng ký thành lập Công ty TNHH Một Thành Viên:
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 05 năm 2021
Chuẩn bị thông tin thành lập Công ty TNHH Một Thành Viên:
Các thông tin quan trọng cần chuẩn bị bao gồm:
1. Địa chỉ trụ sở chính của Doanh Nghiệp:
- Địa chỉ trụ sở chính thì phải bắt buộc nằm trong Lãnh thổ Việt Nam và Nội dung Địa chỉ khi được xác định phải bao gồm: Ngõ phố, ngách, hẻm, số nhà, đường phố hay xóm, thôn, ấp, xã, thị trấn, phường, quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc thành phố, tỉnh mà trực thuộc trung ương.
Ví dụ: Địa chỉ không rõ ràng: Lê Đình Cẩn, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân
Địa chỉ rõ ràng : Số 175 Lê Đình Cẩn, Phường Tân Tạo,Quận Bình Tân
2. Đặt tên Công ty hợp lệ:
- Tên công ty TNHH MTV là một phần rất quan trọng cần quan tâm khi chuẩn bị thông tin công ty. Bởi lẽ bạn sẽ phải tuân thủ đúng những quy định về việc đặt tên công ty. Do vậy, việc bạn muốn tùy tiện đặt một cái tên hoặc chọn một cái tên mình thích để làm tên công ty cũng cần phải tuân thủ theo những yêu cầu cơ bản như:
- Tên công ty phải có đầy đủ 02 yếu tố đó là: Loại hình công ty và tên riêng. Ở đây tên công ty sẽ bắt đầu bằng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên + tên riêng. Ví dụ:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu Hà Anh
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Trắng
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên may mặc Hồng Đức
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nha khoa Kim Chi
- Tên công ty phải đảm bảo không trùng lặp, không gây nhầm lẫn. Để đảm bảo không trùng tên với công ty khác, ở bước này, bạn cần tiến hành tra cứu tên công ty bằng cách lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sau đó nhập tên công ty mình vào mục tìm kiếm ngay bên phải trang. Trang web sẽ trả kết quả những tên công ty trùng với tên công ty của bạn nếu có.
Ví dụ: Bạn muốn đặt tên công ty của mình là Hồng Đức, nhưng khi bạn tra cứu thì đã có công ty tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hồng Đức rồi thì bạn không thể sử dụng tên này nữa. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn dùng tên này thì có thể đặt thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ANT Hồng Đức…
Hãy lưu ý, là không thể sử dụng tên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hồng Đức 1 hay Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Hồng Đức. Vì nó được xem là tên gây nhầm lẫn.
- Không được dùng tên cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang, quân đội làm tên công ty.
- Tên doanh nghiệp khi ghi trong điều lệ công ty thì thường được ghi rõ ràng cả tên Tiếng Việt, Tên Tiếng Anh (nếu có), tên viết tắt (nếu có). Ví dụ như:
Tên Công ty viết bằng Tiếng Việt: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hồng Đức
Tên Công ty viết bằng tiếng nước ngoài: Hồng Đức Limited Company
Tên Công ty viết tắt: Công ty TNHH MTV Hồng Đức
3.Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên
- Người đảm nhận chức vụ người đại diện pháp luật cho công ty có thể là giám đốc, tổng giám đốc, quản lý của công ty. Đây sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với công ty. Thông tin của người đại diện pháp luật sẽ được ghi cụ thể ở điều lệ công ty và giấy phép đăng ký kinh doanh.
- Ví trí người đại diện pháp luật có thể thay đổi sau khi thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập công ty cần chuẩn bị Hộ chiếu hay CMND có chứng thực của người đại diện pháp luật (Đối với CMND phải không quá thời gian là 15 năm và được công chứng không quá 03 tháng).
4.Vốn Điều lệ Công ty TNHH Một thành viên
Hiện nay, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty hay chủ sở hữu công ty cam kết góp hoặc đã góp khi thành lập. Căn cứ vào Điều 75 – Mục 1 – Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 nêu rõ ý nghĩa về vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên như sau:
“Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.”
Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp. Chính vì thế, tài sản góp vốn có thể là ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam, quyền sử dụng đất, sử dụng trí tuệ, công nghệ và tài sản khác.
Vốn điều lệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với Công ty TNHH 1 thành viên.
Thứ nhất, vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp, cổ đông trong công ty hay sở hữu cổ phần của thành viên. Vì thế, nó làm cơ sở cho việc phân chia quyền cũng như lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên trong công ty.
Ngoài ra, chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn điều lệ của công ty. Hơn nữa, các thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp.
Thứ hai, vốn điều lệ là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành/nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay.
Thứ ba, nó còn thể hiện cam kết chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp với khách hàng/đối tác. Chính vì vậy, vốn điều lệ càng cao thì sẽ có độ tin cậy của khách hàng/đối tác với các doanh nghiệp càng lớn.
- Chuẩn bị ngành nghề Kinh doanh khi thành lập Công ty TNHH Một Thành Viên
Vấn đề tiếp theo mà bạn cần lưu ý đó chính là ngành nghề đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, một công ty có thể kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu rõ mã ngành nghề mà công ty dự định đăng ký và xem xét về ngành nghề đó có thuộc nhóm ngành nghề có điều kiện hay không (Ví dụ như: điều kiện đối với chứng chỉ về hành nghề, điều kiện đối với vốn pháp định, Điều kiện đối với giấy phép con …) để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thủ tục cần thiết.
Ví dụ bạn muốn kinh doanh ngành In ấn, Thời trang và Phụ kiện thì đăng ký mã ngành sau:
Ngành nghề | Mã ngành |
Hoàn thiện sản phẩm dệt | 1313 |
In ấn (Không hoạt động tại trụ sở) | 1811 |
Dịch vụ liên quan đến in | 1812 |
Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông | 4652 |
Soạn thảo hồ sơ thành lập Công ty TNHH Một Thành Viên
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- (01) bản dự thảo về điều lệ của công ty TNHH Một thành viên
- Danh sách thành viên sáng lập là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân.
Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền.
Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức/ cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Đối với thành viên/ cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ
- Mục lục hồ sơ, Bìa hồ sơ và Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
>>> Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ (mẫu tham khảo)
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:
Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền.
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo mô hình chủ tịch công ty.
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo mô hình hội đồng thành viên.
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.
- Mục lục hồ sơ, Bìa hồ sơ và Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
>> Số lượng hồ sơ: 01
Nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch & đầu tư
– Sau khi soạn thảo hồ sơ hoàn tất, doanh nghiệp mang hồ sơ nộp lên Phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc nơi đặt trụ sở công ty. Sau thời gian là 03 đến 05 ngày làm việc, khi hồ sơ đã được hợp lệ thì công ty sẽ được cấp Bản chính của giấy phép về đăng ký hoạt động kinh doanh.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được văn bản thông báo lý do.