Những vấn đề cần quan tâm khi thành lập doanh nghiệp

Đánh giá bài viết

Dưới góc độ pháp lý, thành lập doanh nghiệp là thủ tục pháp lý được chủ doanh nghiệp tiến hành tại những cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hình thành một doanh nghiệp mới. Bài viết này cung cấp một số vấn đề trọng tâm mà chủ doanh nghiệp phải xác định trước khi tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp.

1. Xác định loại hình công ty 

Hiện nay, Pháp luật Doanh nghiệp ghi nhận 05 loại hình doanh nghiệp sau đây:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên;

– Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên;

– Công ty cổ phần;

– Công ty hợp danh;

– Doanh nghiệp tư nhân.

Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có tính chất, đặc điểm, điều kiện đáp ứng riêng biệt được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020. Khi có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, các cá nhân/tổ chức là chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu, đánh giá ưu – nhược điểm của từng loại hình trên để đưa ra được loại hình phù hợp nhất giúp doanh nghiệp phát huy tốt các lợi thế hiện có, đồng thời, loại bỏ các hạn chế làm cản trở khả năng phát triển của doanh nghiệp sau này.  

2. Cách đặt tên công ty

Căn cứ tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, pháp luật đã quy định cấu trúc tạo nên tên doanh nghiệp dựa trên 2 thành tố, cụ thể như sau:

Tên doanh nghiệp  =  Tên loại hình doanh nghiệp  +  Tên riêng

Trong đó:

Tên loại hình doanh nghiệp có thể viết hoàn chỉnh hoặc viết tắt theo quy định như sau:

    • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được viết là: “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”;
    • Đối với công ty cổ phẩn có thể được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”;
    • Đối với công ty hợp danh có thể được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”;
    • Đối với doanh nghiệp tư nhân được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”.

Tên riêng phải được cấu thành từ bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Về cơ bản, cá nhân/tổ chức thành lập doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn tên doanh nghiệp của mình những vẫn phải đảm bảo đúng cấu trúc do pháp luật quy định. Tuy nhiên, để tránh các hệ quả tiêu cực, tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 đã liệt kê các 03 trường hợp cấm trong đặt tên doanh nghiệp.

    • Trường hợp 1: Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
    • Trường hợp 2: Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
    • Trường hợp 3: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Địa chỉ trụ sở chính công ty

Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Đối chiếu theo quy định trên, địa chỉ trụ sở chính hợp lệ  cần đáp ứng các điều kiện sau:

    • Được đặt trên lãnh thổ Việt Nam
    • Địa chỉ phải được xác định rõ theo 4 cấp đơn bị hành chính. Bao gồm: Số nhà và tên đường + Tên phường/xã/thị trấn + Tên quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh + Tên thành phố trung ương/tỉnh.
    • Không được phép đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể không có chức năng kinh doanh.

4. Ngành nghề kinh doanh

Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, chính sách về đầu tư kinh doanh cho phép các doanh nghiệp được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức được tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của mình nhưng không được hoạt động đầu tư kinh doanh ở các ngành, nghề như sau:

(1). Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư;

(2). Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư;

(3). Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư;

(4). Kinh doanh mại dâm;

(5). Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

(6). Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

(7). Kinh doanh pháo nổ;

(8). Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định là bắt buộc nhằm phục vụ các mục tiêu chung liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,… Các điều kiện này có thể là Giấy phép kinh doanh (giấy phép con), Giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc vốn pháp định.

5. Kê khai vốn điều lệ công ty

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Xét ở góc độ lợi ích chung, mức vốn điều lệ được đăng ký phần nào thể hiện quy mô hoạt động, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến các đối tác và khách hàng tiềm năng để duy trì và đẩy nhanh sự phát triển khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Ở góc độ lợi ích cá nhân, vốn điều lệ nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty. Đây là căn cứ phân chia quyền lợi, nghĩa vụ của cac đối tượng này khi tham gia thành lập công ty.

Hiện tại, không có quy định pháp luật về mức tối thiểu hay mức tối đa khi đăng ký mức vốn điều lệ (trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân, tổ chức kê khai vốn điều lệ là bao nhiêu vẫn có thể tiến hành đăng kí doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với một số ngành nghề có điều kiện, do tính chất nhạy cảm và tầm ảnh hưởng của các ngành nghề này đối với nền kinh tế, xã hội trong nước. Cơ quan Nhà nước ấn định mức vốn pháp định (mức vốn điều lệ tối thiểu) cần đạt được để có thể hoạt động kinh doanh. Quy định này nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định và cạnh tranh, ngăn chặn rủi ro tài chính và bảo vệ cả người tiêu dùng lẫn các đối tác liên quan.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận